Bí quyết hay kinh nghiệm nhảy ngành thật ra có rất nhiều yếu tố, nhưng đúc kết lại ngắn gọn nhất chính là: DÁM LÀM – ĐÚNG LÚC – ĐÚNG CHỖ - QUYẾT TÂM
Như thế nào là thành công là điều rất khó đo lường. Nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy bạn rất thành công với chính bản thân mình khi dám bước ra khỏi giới hạn an toàn và tìm thấy được động lực trong công việc mỗi ngày. Đó cũng chính là chia sẻ của An – đồng nghiệp cũ của tôi trong câu chuyện nhảy ngành của anh ấy.
An – đồng nghiệp cũ của tôi - 30 tuổi, trước đây là chuyên viên HR. Làm tốt, nhưng khó lên quản lý do giới hạn bản thân, không có đột phá. An nghỉ việc để tìm một công việc mới, tôi nghĩ An làm hơn 5 năm ở đây với một công việc như vậy chắc cũng chán. Có thể An tìm cơ hội làm nhân sự ở một công ty tầm cỡ hơn, xịn thì có thể Unilever hay Vingroup,…
Tôi gặp lại An sau 1 năm, An năng động và tự tin hơn rất nhiều. An uyên bác hơn khi nói chuyện với chúng tôi về công việc, về xu thế nghề nghiệp,… Tôi bất ngờ về điều này. An năm ngoái đã chuyển sang một công ty về công nghệ, An apply vào team dự án sản phẩm mới mà chưa hề biết rõ công việc sẽ làm là gì. An bảo lúc đó cái An có và họ chấp nhận An là tinh thần bứt phá, sẵn sàng làm việc thôi. “Tôi không muốn làm tiếp công việc cũ – một chuyên viên thâm niên với quá nhiều kinh nghiệm nhưng không có gì thách thức tôi cả. Cơ hội thăng tiến không có khi tôi không biết quản lý, không biết thể hiện mình”. An đã làm đủ thứ trong team mới, từ admin, đến sales và marketing. Sau một năm, An rất hứng thú với mảng marketing, An trở thành một phó phòng marketing, phụ trách một nhóm về facebook và google.
Trường hợp bạn Thanh Được – làm sales 05 năm. Từng là best seller, thu nhập tốt. Anh cũng chưa nghĩ gì về việc cần chuyển ngành khi anh đã từng tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh – một công việc hiện tại rất đúng ngành.
Biến cố công việc xảy ra khi mùa dịch Covid, công ty khó khăn và anh Được khá sốc khi mình bị cắt giảm. Đây cũng là thời điểm anh Được muốn tìm cho mình một cơ hội sự nghiệp mới. Anh muốn chuyển ngành sang một công việc đỡ bấp bênh hơn. Có quá mạo hiểm không khi anh chọn nghề Lập trình để bắt đầu. Tuy là một nghề đúng xu thế, nhu cầu nhân lực rất cao, thu nhập bình quân cao nhất hiện nay nhưng mang tính kỹ thuật quá nhiều, không dễ để có thể bắt đầu với dân tay ngang, từ con số 0.
Anh Được đã thành công trong việc chuyển ngành từ sales sang lập trình – Sự nghiệp bước sang một trang mới hoàn toàn. “Hạnh phúc ở hiện tại và nhiều thách thức phía trước, nhưng đó mới đúng là một sự nghiệp tôi mong muốn. Thành công nghe lớn lao nhưng với tôi, được là chính mình, có đam mê, luôn có động lực để cố gắng thì đó chính là thành công.”
Trong câu chuyện của cả anh An và anh Được, tôi nhận ra rằng việc nhảy ngành, chuyển ngành sẽ thành công nếu như chúng ta có lý do để bắt đầu, dám làm; làm đúng thời điểm; tìm đúng chỗ và cuối cùng đó là quyết tâm.
(Xem thêm về câu chuyện chuyển nghành của anh Được tại đây)